> 37 công ty niêm yết chưa nộp báo cáo kiểm toán
> S96, ILC bị đưa vào diện cảnh báo
Công ty chứng khoán Sacombank là một trong những đơn vị thay đổi lớn về số liệu. Đơn vị này công bố lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 609,5 tỷ, nhưng sau kiểm toán con số này lên tới 788,35 tỷ đồng. Mức lỗ gần 800 tỷ trong 2011 cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu SBS bị cảnh báo trên HOSE kể từ ngày 8/5.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 đã kiểm toán, lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex chỉ còn 388 tỷ, giảm đến 431 tỷ đồng so với số liệu do chính công ty công bố, trong đó có nguyên nhân phân bổ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.
Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) thông báo âm 176,66 tỷ, nhưng sau kiểm toán đột ngột chuyển thành lãi 62,7 tỷ đồng. Tương tự, Công ty cổ phần đầu tư thương mại SMC lỗ 6,53 tỷ nhưng kiểm toán cho thấy lời 430,92 triệu đồng.
|
Nhiều doanh nghiệp chênh lệch số liệu lớn trước và sau kiểm toán báo cáo tài chính 2011. Ảnh: B.H.
|
Trong khi đó, Công ty vận tải biển Hải Âu (SSG) là số ít đơn vị có lợi nhuận 0 đồng sau kiểm toán. Phía kiểm toán đã phân bổ thêm vào chi phí khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư khoản vay dài hạn có gốc ngoại tệ cuối năm 2009 và năm 2010 chưa phân bổ hết nên 2011 không có lãi.
Cá biệt, có một số đơn vị gia tăng lợi nhuận nhờ kiểm toán. Công ty Gemadept (GMD) lãi sau thuế 3,18 tỷ, nhưng khi kiểm toán lời tới 24,26 tỷ đồng, do giảm trích lập dự phòng, xác định lại các khoản chênh lệch tỷ giá. Việc giảm dự phòng hàng tồn kho cũng giúp Công ty Kỹ thuật điện Toàn Cầu (GLT) lãi sau thuế từ 25,98 tỷ lên 26,26 tỷ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, doanh nghiệp có báo cáo tài chính 2011 trước và sau kiểm toán chênh lệch cả trăm tỷ đồng là điều hiếm gặp ở các năm trước. Không phải do trình độ nhân viên thấp hay thay đổi chuẩn mực kế toán mà phần lớn doanh nghiệp cố tình làm đẹp báo cáo để dễ huy động vốn, tạo điều kiện cho cổ đông nội bộ thoát hàng... Điều này thường thấy ở các đơn vị đầu tư dàn trải nhưng không hiệu quả. Những khó khăn trong năm 2011 khiến họ không còn cách xoay sở, phải "phù phép" báo cáo tài chính.
Theo ông Hải, có một số đơn vị lặp lại điều này ở nhiều kỳ báo cáo nhưng do không có chế tài xử phạt nặng nên tình trạng từ lãi thành lỗ hoặc chỉ còn lời chút ít so với lãi khủng do chính công ty công bố cứ tái diễn nhiều lần. Mỗi lần như thế, công ty chỉ soạn văn bản giải trình, còn kế toán trưởng, lãnh đạo doanh nghiệp không liên can gì.
Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng tình trạng chênh lệch lớn sau kiểm toán bùng phát mạnh ở báo cáo tài chính 2011, bởi có vi phạm cũng không bị xử lý gì. Điều này khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào ban điều hành khi họ không trung thực trong số liệu báo cáo. Nhiều nhà đầu tư thấy công ty có lãi trong thời buổi kinh doanh khó khăn nên gom cổ phiếu doanh nghiệp này. Tuy nhiên, khi kiểm toán đính chính, thị trường bị sốc, cổ phiếu bán ra ồ ạt, người chịu thiệt là các nhà đầu tư, nhất là những người mới.
Với các trường hợp lỗ thành lãi, theo ông Chí, có thể doanh nghiệp cố tình giấu lãi hoặc chuyển lãi sang quý tiếp theo, đặt biệt khi kinh doanh 2012 vẫn còn nhiều thách thức. Ngoài ra, không loại trừ khả năng nội bộ làm giá, tung tin lỗ để dìm giá cổ phiếu xuống và khi kiểm toán báo lãi sẽ xả hàng ra hưởng lời.
"Chênh lệch số liệu lớn mà nguyên nhân không thuyết phục, doanh nghiệp sẽ mất điểm trong mắt nhà đầu tư", một chuyên gia kinh tế ở TP HCM nói. Theo vị này, cổ đông bầu ra lãnh đạo để định hướng, dẫn dắt doanh nghiệp. Do đó, lãnh đạo phải minh bạch trong công bố thông tin, hoạt động điều hành. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng đã và sẽ thu hút dòng tiền từ khối ngoại, quỹ đầu tư.
Bạch Hường